Nên nói với ai

Bạn gởi đến một bức hình, hỏi ý kiến. Xin nói đôi dòng về những lời trong bức hình này.

nen-the-nao

Một người gọi là “fool” hay “wise”, bạn chỉ thể nhận định được sau khi góp ý mà thôi. Vì thái độ của người nghe góp ý thường rất bất ngờ với người góp ý!

Nếu bạn góp ý chạm đến những việc người đó không muốn ai chạm đến, thì dù người khôn ngoan hay thông minh cũng khó mà không lộ phản ứng chống đối. Còn nếu nói chung chung một điều gì đó có thể không tổn thương lắm thì người nghe tỏ thái độ cảm ơn. Lúc đó chúng ta sẽ cho rằng người đó khôn ngoan hay là không!

Chúng ta luôn bất ngờ bạn ạ. và thường bị sốc khi hết lòng góp ý ai đó, dù là người thân, bạn thân cũng vậy.

Trong cuộc sống, khó mà có một nhận định rõ ràng về ai lắm, cũng như khó ai có thể nhận định rõ ràng về mình. Bởi thái độ chúng ta tùy sự việc được nghe. Đôi khi có những việc người nói thấy nhẹ nhàng bình thường, nhưng người nghe bị sốc và có những phản ứng đáng ra không nên có khi nghe lời góp ý, vì rằng còn để cho người nói còn đủ nhiệt tình mà nói tiếp những lần sau!

Có thay đổi gì không

 

Bạn đọc bài “Khi bị so sánh”, hỏi tôi gặp trường hợp vậy, nên nói gì và có thể thay đổi gì được không.
Tùy đối tượng và mọi việc đang diễn tiến đến đâu. Sự cho rằng mình là nhất, nên sức tổn thương khá cao. Nỗi đau muôn thuở của chúng ta là vậy.
Bước đầu chỉ là an ủi cho đương sự nguôi ngoai, rồi sau đó, nếu đương sự còn chịu nghe thì nói rõ thêm. Nếu đang là tình bạn thì có thể cho qua dễ dàng hơn một chút, nhưng nếu là gia đình thì mọi sự vượt qua khó khăn hơn.
Sự khăng khăng về đánh giá nhau rất khó nói gì để thay đổi ngay. Phải là thói quen không nuôi những tư tưởng một chiều đang xuống dốc, dừng lại được tư tưởng bi quan khư khư cho mình đúng, có cái nhìn để cứu vãn chứ không để đổ lỗi, mới mong gìn giữ lại được.
Bạn nói:
– Cũng khó đấy nhỉ, mình gặp nhiều cảnh đời, mà không nói gì được, vì họ nhất quyết rằng họ đúng. Cả hai đều cho rằng mình đúng, lỗi là bên kia mới ra cớ sự này. Dù rằng ai cũng biết rằng, lỗi là lỗi đôi bên, nhưng khi nói thì bên kia phải lỗi nặng hơn mới được. Nhưng có ai cứu vãn được tình cảnh không.
– Có nhiều chứ, đó là những ai có tâm cởi mở rộng lượng, những người có cái nhìn dễ cảm thông chia sẻ, tuy gặp cảnh đời như thế, họ có vẻ bình tĩnh giải quyết hơn, mình cũng gặp khá nhiều, xã hội tốt đẹp nhờ là vậy.

 

 

Còn đọng dư âm


Sau một cơn bệnh- dù là bệnh gì, cảm giác uể oải còn vương lại.
Sau cơn bệnh, chưa thể khỏe ngay. Và sau nỗi buồn đã tác động mạnh vào tâm, cũng khó mà tan hết, không còn chút dư âm trong tâm.

Bạn nói: Chuyện này thường mà, đâu có gì lạ.

Lạ ở chỗ mình không chấp nhận như vậy. Cơn bệnh có thể qua
nhanh, chuyện phiền có thể đã hết, nhưng sự mệt mỏi sau cơn bệnh, nỗi lẩn quẩn về chuyện còn trong tâm, mình không chấp nhận, mới luôn than van. Không nhận ra rằng mọi thứ đã qua hết, đáng mừng biết bao! Còn chút dư âm, có thể dễ chịu hơn đang trong cơn bệnh, đang trong cơn phiền chứ.
 
Bạn im lặng một chút, rồi nói: Lúc nào cũng buồn khổ vì những chuyện vừa kết thúc, chỉ vậy mà làm cũng không xong, thì biết nói gì.

 

Quê cũ

Dọn nhà là chuyện khá “bình thường” trong đời sống. Đến một nơi chốn khác, mỗi người có một lý do riêng, vì công việc, vì hoàn cảnh, vì…
 
Cuộc sống an ổn thì không ai muốn thay đổi làm gì.
 
Mọi thay đổi có thể tốt hơn, hoặc không. Biết bao nhiêu lần dời chỗ, biết bao nhiêu lần dứt khoát để thay đổi cảnh đời.
 
Bây giờ bạn tôi có một đời sống tiện nghi hơn, ổn định hơn, vậy mà vẫn nhớ về một góc phố nào đó, năm xưa. Bạn vẫn rưng rưng khi đọc một bài viết nói về nơi chốn nào đó có hai chữ “xưa và nay“.
 
Bạn hỏi tôi có như thế không. Nhớ lại những cảnh đời đã qua, ở cảnh ở tâm, có lẽ ai cũng góc kỷ niệm, chỉ là đừng để góc kỷ niệm đó làm bi lụy đời mình đừng để góc kỷ niệm làm mình không vui sống với cảnh đời đang có.
 
Trân trọng và giữ đó những tươi vui, nhạt đi những đau thương, để tâm nhẹ nhàng khi tình cờ có ai đó chạm vào ngăn kéo kỷ niệm.
 

Biên kịch… lại

 
Bạn đọc xong “biên kịch” hỏi, không thay đổi gì được sao?
– À lúc đó phim đã ra thành bộ rồi, nên không thay đổi được, còn nếu đang chiếu từng tập, thì khi thấy người xem có ý kiến quá, biên kịch sẽ thay đổi đoạn cuối, vì khi biên kịch, đôi khi có những điểm sơ sót không để ý, người xem thấy rõ chỗ sơ sót đó hơn.
– Vậy thì liên quan gì tới chuyện mình.
–  Có liên quan đôi chút, ở chỗ, nếu trong cuộc sống, mình được góp ý này kia, thì xem mình đã sơ sót chỗ nào, để sửa đổi những điều mình không biết rằng làm phiền mọi người. Nếu không chỉnh sửa đoạn “sắp chiếu”, thì sẽ có một đoạn cuối không được hay lắm cho đời mình.

 

Áng mây bay ngang

 
Cảnh vật đang ngắm nhìn từ cao, chợt có áng mây đi ngang, mải nhìn áng mây bềnh bồng kia, không để ý cảnh bên dưới. Dần dà mây dầy hơn và cảnh vật chỉ còn là biển mây trắng.
Cảnh dưới mặt đất vẫn đấy, nhưng mây đã che.
À, cuộc sống mỗi ngày trôi qua vẫn thế, chúng ta luôn bị những áng mây tâm tư che khuất những gì đang hiện diện.
Biết rồi mây sẽ trôi đi, sẽ tan đi, nhưng vì mọi thứ chỉ biết trên ý thức, nên chẳng làm gì hơn ngoài an ủi nhau, khi thấy đương sự đã có một áng mây ai đó, đám mây suy nghĩ gì đó – giận hờn, thương đau, hạnh phúc…

 

Để mây tan, chờ mây tan là khi chưa hiểu, đã hiểu rồi, thì sao nhỉ!

Cũng cần nghỉ ngơi đôi chút



thỉnh thoảng mây qua

để người ngắm trăng
nghỉ ngơi đôi mắt
(Basho)
 
Thiệt bất ngờ, khi đọc bài thơ này trong blog một người bạn.

Đang bệnh, đọc bài thơ này bỗng có chút an ủi. Nếu không bệnh, giờ này đâu được nghỉ ngơi, nằm yên lơ đãng nhìn ra cửa sổ.

Nhưng, nhớ là mây chỉ bay ngang thôi nhé. Sẽ qua cơn cảm và ngồi dậy làm tiếp, như trăng sáng trên trời khi đám mây vừa bay qua.
 
Đôi lúc mây hơi dầy, và mưa, nên ai đó chờ trăng rằm, đành thở dài, than đôi câu:
Chờ trăng, trăng không đến
Đoạn đành bỏ cuộc vui.
Chính vậy mới thấy thơ Basho lạc quan. Cái kết lơ lửng cho nhẹ nhàng, và mỗi người theo định nghiệp riêng mà viết cái kết của riêng mình, Ngài không xen vào đời ai hết.

Tốn tiền cũng …

thong dong trên biển đời
1- Bạn đi Đại Nam về kể: “Hóa ra xuống 18 tầng địa ngục cũng phải tốn tiền!”
Tưởng tốn tiền mua tiên ai dè xuống địa ngục cũng tốn tiền!
2- Buồn cười ngẫm nghĩ, tại mình thôi. Chẳng hạn “tốn tiền” tặng ai đó, người đó sử dụng tiền không theo ý mình (phung phí chẳng hạn) thế là đùng đùng nổi giận. Đúng là tốn tiền để xuống địa ngục phiền não. Đáng lẽ tặng cho ai quà gì đó là vui, nay chỉ
vì họ không theo ý mà đùng đùng nổi bực.
3- Ngẫm nghĩ chuyện xuống địa ngục cũng tốn tiền, may ra gặp việc tỉnh táo chút đỉnh.
4-Từ nay có tốn tiền tặng quà, tốn lời nhắc nhở cũng đừng để tâm mình xuống địa ngục phiền não.

Oan ức

1-
Cả nhóm đang kể chuyện bị oan. Mỗi người đều kể nỗi oan của
mình do người chung quanh đem đến.
 2- Nghe chợt giật mình! Bởi ai cũng thấy người khác đem những lời
không đúng kể về mình. Còn chính mình nói những điều không đúng về người khác, làm người khác “điêu đứng” về những nhận định của mình, gây những oan ức cho người khác, thì chưa nghe ai kể đến.
 3- Có những chuyện thật nhỏ, tình cờ thoáng qua tâm. Mới biết,
chính mình không bao giờ nhớ hay không bao giờ chịu nhận rằng những nhận định sai lầm của mình gây oan ức cho người.

4- Có lẽ vì thế mà nước mắt oan ức khó cạn, chính bởi chúng ta sống cạnh nhau, chỉ thấy người luôn nói oan cho mình, mà không biết chính mình “thỉnh thoảng” cũng nói oan cho người!

Gọi nắng hay mưa

 
Đi thăm chùa Dâu, gọi là chùa Pháp Vân. Truyền thuyết kể khá
nhiều về bốn chị em, Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Người đi lễ tháng Giêng khá đông.
Lan man nghĩ, khoan nói gì đến niềm tin tín ngưỡng, hàng ngày chúng ta vẫn thường cầu hay xin này xin kia.
Sắp đi chơi, thấy trời chuyển mưa, vội “khấn” xin trời đừng mưa mà lỡ chuyến đi chơi.
Khi trời ít mưa, nghe thông báo giảm điện, số ngày cúp điện trong tuần tăng lên, thế là ai cũng “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, có điện tôi dùng
Đi trên đường không bóng cây, nắng chang chang, xin trời cho một chút mây che ngang trời… chỉ là mây thôi, xin đừng mưa mà tội trễ tràng công việc.
Ngày nay kỹ thuật tân tiến có thể giúp chúng ta nhiều, nên ít
tin vào các vị thần mây, thần mưa, thần sấm sét… như ngày xưa. Chỉ khi nào lâm vào cảnh bất khả kháng, mới vội niệm Phật xin được che chở.
Cho thấy, trong ta nỗi sợ hãi thầm lặng luôn có mặt, mà chính ta
không biết.